Các bạn có cơ hội nhận 1 trong 200 tài khoản Clip Studio Paint Debut 6 tháng khi tham gia khảo sát tại đây:

Tham gia khảo sát!!

Bài 1. Sự cân đối của nhân vật

Đã bao giờ bạn thấy dường như hình vẽ của mình nhìn hơi sai sai chưa?
Có thể nguyên nhân nằm ở việc bạn đã làm mất “sự cân đối” của hình vẽ. Những lúc gặp tình huống như thế này, bạn hãy thử một phương pháp đơn giản sẽ được giới thiệu trong bài này để tự mình đánh giá lại xem sao nhé!

Bây giờ, chúng ta hãy tiến hành chỉnh sửa cho hình vẽ bên trên, vì nhìn nó có gì đó hơi sai sai đúng không nào.
Nếu bạn đã có hình vẽ của riêng mình thì cứ dùng nó để cùng kiểm tra lại.

1. Thử lật theo chiều ngang (lật trái phải)

Có khá nhiều phương pháp được sử dụng để kiểm tra hình vẽ có đang bị mất cân đối hay không nhưng tôi khuyến khích bạn hãy thử dùng cách lật theo chiều ngang này.
Nó sẽ giúp bạn thấy rõ được sự mất cân đối ở những điểm mà bạn dễ dàng không chú ý tới khi đặt hình vẽ ở vị trí bình thường.

Đây là hình vẽ đã được đảo ngược theo chiều ngang (trái-phải) của hình lúc nãy nhờ sử dụng chức năng lật theo chiều ngang (Flip horizontal) của phần mềm vẽ minh họa. Chúng ta sẽ bắt đầu chỉnh sửa cho hình này.
Nếu hình vẽ của bạn nằm trên giấy thì hãy lật ra mặt sau và đặt nó dưới ánh sáng để nhìn xuyên thấu qua. Điều này sẽ giúp bạn kiểm tra được hình vẽ ở trạng thái lật theo chiều ngang tương tự như chức năng nói trên. Tiếp theo, hãy vẽ những đường điều chỉnh ở mặt sau của tờ giấy rồi dựa theo những đường này để tiến hành chỉnh sửa.

Sau khi chỉnh sửa ở những chỗ bạn cảm thấy chưa được tự nhiên lúc lật theo chiều ngang thì hãy kiểm tra lại lần nữa hình vẽ ở trạng thái bình thường, nếu mọi thứ đều ổn thì mới vẽ lại cho rõ và đẹp.
Khi vẽ khuôn mặt chính diện, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để tạo được sự cân đối nên tôi khuyên bạn hãy tạo một bản sắp xếp bố cục trước.
Ngay cả khi không phải đang vẽ một chiếc đầu giống hệt thực tế thì sự cân đối tổng thể vẫn cần được giữ nguyên. Hãy chú ý vào vị trí cũng như tỉ lệ của từng bộ phận khi vẽ.

Sẵn đây bạn hãy quan sát hình bên dưới, nó không chỉ mất cân đối trái phải mà vị trí của cánh tay cũng gây cảm giác thiếu tự nhiên đúng không nào?

Chỉ cần bạn thử kéo dài đường nối từ vai và cổ tay đến khuỷu tay ra bên ngoài màn hình thì bạn sẽ thấy ngay chúng không khớp nhau. Trường hợp này thường hay xảy ra khi hình vẽ không nằm vừa trong màn hình khiến bạn chỉ có thể vẽ theo trực giác. Vì vậy, bạn cần chú ý tới cả những phần nằm ngoài màn hình.
Đặc biệt khi một nửa khuôn mặt không nằm trong hình vẽ, bạn vẫn nên phác thảo toàn bộ khuôn mặt để dễ tạo sự cân đối hơn.

Đây là hình vẽ đã được đưa về kích thước cũ sau khi phác thảo luôn cả những phần bị cắt mất do nằm ngoài màn hình.

Còn đây là hình vẽ sau khi chỉnh sửa và hoàn thiện.
Bây giờ nhìn nó đã cân đối và tự nhiên hơn.

2. Vẽ từ hình cơ thể người

Nhân tiện chúng ta hãy vẽ thử toàn bộ cơ thể xem sao nhé.

Nhìn kỹ sẽ thấy hình vẽ này cũng có những điểm khá kỳ cục.

Tuy không có quá nhiều khác biệt khi ta lật ngang hình vẽ nhưng chỉ cần lướt qua những phần cơ thể bị quần áo che khuất, do chúng không được vẽ nên bạn sẽ nhận ra sự thiếu liên kết và nhìn như thể chúng biến đâu mất.
Khi vẽ hình người mặc váy hoặc những bộ quần áo rộng, nếu bạn bỏ qua việc vẽ thân người mà đi ngay vào vẽ quần áo thì sự cân đối của cơ thể rất dễ bị phá vỡ.
Ngoài ra, ngón cái bên tay phải còn bị ngược, độ dài hai cánh tay cũng khác nhau, không diễn tả được các vị trí khớp nối trên cơ thể, v.v…
Vì vậy khi vẽ hình người mặc quần áo, bạn nên cố gắng vẽ từ hình cơ thể người trước rồi hãy vẽ thêm quần áo để giảm thiểu cảm giác thiếu tự nhiên.

Đây là phác họa cơ thể người dựa theo hình ban đầu. Do không có vị trí chính xác của cánh tay phải là hướng lên trên hay xuống dưới lẫn tư thế của chân trái như thế nào nên ta sẽ ưu tiên vẽ sao cho giống với những gì đã có sẵn nhất.

Chú ý sao cho chiều dài từ vị trí gốc bắt đầu vẽ chân đến đầu gối ở hai chân bằng nhau. Tương tự đối với chiều dài từ vai đến khuỷu tay và từ khuỷu tay đến cổ tay ở hai cánh tay. (Các góc sẽ khác nhau tùy vào bố cục, vì vậy không có gì là tuyệt đối mà còn phụ thuộc vào góc nhìn.)
Bây giờ chúng ta bắt đầu mặc quần áo cho hình vẽ cơ thể người này nhé.
Bạn có thể thấy hình vẽ này lẫn hình nửa trên cơ thể lúc nãy đều có điểm chung là chúng được vẽ ra mà không nhìn vào hình mẫu.
Khi không nhìn hình mẫu mà chỉ vẽ theo tưởng tượng thì phần lớn trường hợp bạn sẽ vô tình tạo ra thành phẩm khác với thực tế.

・Nhìn mẫu để vẽ

Áo hoodie là trang phục như thế nào? Váy xếp ly thì trông ra sao? Còn giày mà cô bé đang mang là loại gì?
Cánh tay lúc cho tay vào túi áo khoác hoodie sẽ ra sao?
Càng suy nghĩ bạn lại càng thấy khó hiểu.

Những lúc như vậy, đừng chỉ chăm chăm vẽ theo tưởng tượng, hãy tham khảo thêm hình mẫu thực tế nhé.

Dù gọi chung là “áo hoodie” nhưng nó có rất nhiều kiểu dáng khác nhau. Vì vậy bạn nên vừa nhìn hình ảnh trong thực tế vừa vẽ thêm các chi tiết.
(Một vài hình ảnh và tài liệu có thể có bản quyền như quyền về ảnh chân dung hoặc quyền tác giả, v.v… Khi tham khảo chúng, hãy đảm bảo bạn không vi phạm bất kỳ quyền nào trong số này.)
Tài liệu mà bạn nên tham khảo nhất khi vẽ các tư thế là một bức ảnh của chính bạn. Hoàn toàn không vấn đề gì dẫu nhân vật và bạn có giới tính hoặc kiểu cơ thể khác nhau. Bạn có thể tham khảo để vẽ thử góc của cổ, hướng của cánh tay, chuyển động của chân, v.v…

Đây là hình vẽ đã hoàn tất sau khi tham khảo ảnh thực tế.
Bên dưới là những vị trí cụ thể mà tôi đã tham khảo hình ảnh để vẽ.

Nón trùm đầu vẽ theo tưởng tượng nhìn rất mềm và thiếu độ nặng nhất định.
Tôi đã nhìn hình để sửa lại vì vải của trang phục được vẽ khá mỏng lẫn các nếp nhăn chỉ vẽ theo tưởng tượng.
Có sự khác nhau giữa nếp nhăn được hình thành do phần nhô ra khi bị vật mềm kéo căng và nếp nhăn tạo ra do phần áo rộng bị chùng xuống. Ngoài ra, việc tạo nếp nhăn còn phụ thuộc vào vật liệu và kích thước.
Mặc dù rất ít khi bạn tìm được hình ảnh thực tế giống hệt hình mà bạn muốn vẽ nhưng bạn vẫn nên xem xét từng phần của hình ảnh và sử dụng chúng làm tài liệu tham khảo. Ở hình vẽ này, tôi đã tham khảo phần trang phục rộng, cách các nếp nhăn hình thành lúc cong khuỷu tay và hình dạng nón khi không trùm nó lên đầu. Nếu bạn vẫn thấy khó hiểu khi tham khảo một bức ảnh thì bạn có thể học bằng cách xem thêm nhiều bức ảnh khác và đặt chúng vào hình vẽ của mình.
Thực tế thì lần này tôi cũng đã tham khảo rất nhiều hình ảnh để vẽ.
Trong những hình ảnh đang được đưa ra ở đây vẫn có nhiều vị trí không thể nhìn thấy được, vì vậy tôi đã xem nhiều hình ảnh khác cho từng vị trí để vẽ thêm.

Hình vẽ đã hoàn thiện.

・Lời kết

Kết quả sau chỉnh sửa thì thành phẩm và hình vẽ ban đầu nhìn khác nhau khá nhiều.
・Vẫn giữ được sự cân đối khi lật ngang.
・Chú ý tới cả những vị trí không nhìn thấy.
・Phác họa cơ thể người trước khi vẽ quần áo.
・Nhìn hình ảnh tham khảo để vẽ chứ không vẽ theo tưởng tượng.
Tuy có vẻ hơi phiền phức, nhưng khi làm thử, bạn sẽ phát hiện ra nó chỉ gồm nhiều bước rất đơn giản. Nếu ý thức được điều này khi vẽ hình, thành phẩm của bạn sẽ có sự khác biệt rất lớn so với khi không làm theo các bước trên. Vậy nên nhất định phải làm thử xem sao nhé!
Khi quan sát mẫu thực để vẽ, bạn sẽ thấy rất thú vị nhờ các phát hiện mới ở những chỗ mà trước nay bạn luôn vẽ một cách đại khái theo tưởng tượng. Tôi mong bạn sẽ có thật nhiều phát hiện mới cho riêng mình.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến dòng này.

・  ・  ・

Shimoto Kazushi

Họa sĩ manga/họa sĩ minh họa sống ở tỉnh Nara.
Các tác phẩm được đăng nhiều kỳ bao gồm “Neko wo hiroi mashita (Shueisha Fluffy Jump)”, “Kuroi hito -samenai akumu-(Piccoma)”, v.v…
Thích mèo và những vật nho nhỏ dễ thương. Hiện đang sống cùng hai chú mèo.

Copied title and URL