Các bạn có cơ hội nhận 1 trong 200 tài khoản Clip Studio Paint Debut 6 tháng khi tham gia khảo sát tại đây:

Tham gia khảo sát!!

Bài 2. Độ đậm nhạt của đường line

Có phải bạn đã từng cảm thấy thất vọng sau khi đi nét dù đã cất công tạo được một bản nháp khá là ưng ý?
Trong bài này, tôi sẽ giới thiệu một phương pháp mà bạn nên sử dụng khi gặp tình huống tương tự.
Chẳng đụng đến bất kỳ thủ thuật khó nhằn nào đâu, phương pháp này chỉ yêu cầu bạn chỉnh sửa các đường line một chút thôi là hình vẽ sẽ trông ổn áp hơn hẳn. Nhất định phải thử đó nha!

Trên đây là bản nháp và hình vẽ sau khi đã đi nét mà chúng ta cần chỉnh sửa ở bài này. Nhìn mà xem, độ sống động và nét tự nhiên vốn có ở bản nháp đã biến đi đâu mất sau khi hình vẽ được hoàn thành.
Giờ thì chúng ta sẽ bắt đầu từ việc phân tích xem rốt cuộc nguyên nhân của tình trạng này là gì rồi mới tiến hành chỉnh sửa sau nhé.

1. Chú ý đến độ tương phản rõ ràng

Hãy cùng tìm xem điều gì đã khiến ấn tượng về hình vẽ này trở nên nhạt nhòa.

・Đường viền
・Các bộ phận trên gương mặt
・Phần tóc, v.v…

Bạn có thể thấy rằng tất cả các đường line đều được vẽ với cùng một độ đậm từ đầu đến cuối.

Hãy nhìn lại các đường line trong một hình minh họa đã hoàn thiện khác. Bạn sẽ thấy rằng các đường này được vẽ với độ đậm nhạt khác nhau.
Khi thay đổi đường line như thế, bản vẽ trở nên có cảm xúc hơn. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ cần thay đổi độ đậm nhạt của các đường line là xong, mà bạn phải tìm ra độ đậm nhạt thích hợp cho từng phần của hình vẽ ở một mức độ nhất định.

Tôi đã đánh dấu độ đậm nhạt của từng đường line trong hình bên dưới.

Đường line đậm sẽ được tô màu đỏ, còn đường line nhạt là màu xanh dương.
Các đường line đậm chủ yếu nằm ở viền bên ngoài, nơi tách riêng từng bộ phận hoặc ở chỗ mà bạn muốn nó nổi bật lên, trong khi các đường line nhạt sẽ nằm ở bên trong hoặc thể hiện cho nếp nhăn trên quần áo.
Để hiểu tại sao chúng ta nên làm như vậy thì hãy thử đảo ngược độ đậm nhạt lại xem sao nhé.

Khi đảo ngược độ đậm nhạt của các đường line, bạn sẽ thấy những chỗ bạn muốn làm cho nổi bật lên và những chỗ bạn không muốn nó nổi bật cũng lập tức trở nên ngược ngạo.
Đường ranh giới giữa các vật thể khác nhau cần được làm cho nổi bật hơn, còn đường ranh giới trong cùng một vật thể thì nên kém nổi bật hơn. Ngoài ra, vì có sự khác biệt tùy thuộc vào màu sắc và chất liệu của vật thể, bạn phải quan sát một cách cẩn thận và xem xét độ đậm nhạt nào là phù hợp cho từng đường line.

Khi nhìn vào một bức ảnh (ảnh thật chứ không phải hình vẽ minh họa), bạn dễ dàng chú ý vào các vị trí tách biệt giữa những vật thể khác nhau trong khi phần bên trong của cùng một vật thể thì trông kém nổi bật hơn đúng không nào?
・Con người và cảnh vật xung quanh
・Áo sơ mi và quần tây
Và nhiều chỗ khác trông tách biệt rất rõ ràng, ngược lại, ví dụ như các nếp nhăn trên áo chẳng hạn, chúng đã trở nên mờ nhạt hơn.
Còn một phương án nữa mà bạn có thể xem xét chính là dùng nét mảnh ở vùng bắt sáng và dùng nét đậm hơn ở vùng tối.
Hoặc một ý tưởng cơ bản khác nữa là vẽ nét đậm ở chỗ có sự thay đổi lớn và nét mảnh hơn ở chỗ chỉ thay đổi chút ít.

Dựa vào những điều nêu trên, đây là những gì tôi sẽ làm theo để thay đổi độ đậm nhạt của đường line. Màu đỏ dành cho các nét đậm và màu xanh dương cho các nét mảnh hơn.
Ở đây, tôi giả định rằng ánh sáng chiếu từ phía trên xuống và từ bên trái qua, vì vậy tôi sẽ làm cho góc trên bên trái của phần nhô ra nhạt hơn và góc dưới bên phải của phần lõm vào đậm hơn.

Ngoài ra, đầu của đường line phải được vuốt nhọn và những nét ló ra ngoài khi vẽ các đường line chồng lên nhau phải được xóa sạch. (Các vùng đã điều chỉnh được tô màu vàng.)
Nối liền các nét bị đứt giữa chừng, vẽ kỹ lại những chỗ chưa vẽ đến hết mép để hình vẽ chỉn chu hơn.

Đây là hình vẽ sau khi đã chỉnh sửa và hoàn thiện.

Trong bài này, tôi đã điều chỉnh độ đậm nhạt cho các đường line, nhưng tùy theo phong cách và dụng ý của tác phẩm, vẫn có những trường hợp tôi không dám tạo ra thay đổi trên đường line.
Nhất là đối với tranh minh họa có màu, đa phần tôi sẽ vẽ các đường line đồng nhất vì sẽ tạo sự thay đổi nhờ vào màu sắc.
Trong trường hợp đó, không phải là không có cách nào để chỉnh sửa, bạn chỉ cần vẽ các đường line thật mượt là sẽ tạo ra sự khác biệt ngay. Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu về cách làm này.

Khi đi nét, bạn có thể dùng stroke dài để vẽ được một đường line mượt mà hơn, nhưng nếu chưa quen đi nét thì tôi nghĩ bạn sẽ thường vẽ bằng nhiều nét ngắn nối liền nhau đúng không nào.
Khi bạn làm vậy thì điểm nối giữa các đường line thường bị gãy khúc. Tuy nhiên, nếu bạn vẽ chồng nhiều lần kết hợp tẩy xóa để chuốt lại, v.v… thì bạn vẫn sẽ có được đường line đẹp giống như đã vẽ bằng một stroke dài.
Ngay cả những người đã quen tay, họ cũng thường vẽ những đường cực dài bằng cách chia chúng ra thành các đoạn ngắn hơn. Nhiều người còn chừa một khoảng nhỏ giữa các đường line rồi sau đó mới vẽ thêm vào để nối liền lại.

Cuối cùng, hãy thử so sánh hình vẽ trước và sau khi chỉnh sửa.
Dù là lượng chi tiết của bản nháp và bản vẽ nâng chất lượng giống nhau nhưng ấn tượng về hình vẽ đã thay đổi đáng kể. Một khi đã đi nét kỹ thì những thao tác phía sau cũng tự nhiên trở nên thú vị hơn. Vậy nên bạn đừng quên bỏ thêm chút tâm tư vào từng nét vẽ nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc đến dòng này.

・Mẹo nhỏ cho bạn

Khi ta thêm vào quá nhiều chi tiết cũng làm cho hình vẽ mất điểm nhấn đi, lúc này nếu bạn cho thêm màu ở một mức phù hợp sẽ giúp nổi rõ sự tương phản khiến hình vẽ trở nên sống động hơn.

・  ・  ・

Shimoto Kazushi

Họa sĩ manga/họa sĩ minh họa sống ở tỉnh Nara.
Các tác phẩm được đăng nhiều kỳ bao gồm “Neko wo hiroi mashita (Shueisha Fluffy Jump)”, “Kuroi hito -samenai akumu-(Piccoma)”, v.v…
Thích mèo và những vật nho nhỏ dễ thương. Hiện đang sống cùng hai chú mèo.

Copied title and URL